Trong cơn mưa lớn, người dân phải xuống đi bộ, hoặc tắt máy dắt xe men theo mép đường sâu khoảng 0,4 m.
Trong cơn mưa lớn, người dân phải xuống đi bộ, hoặc tắt máy dắt xe men theo mép đường sâu khoảng 0,4 m.
TPO - Sau cơn mưa lớn đêm qua, một số điểm ở đường gom, hầm chui dân sinh tại Đại lộ Thăng Long và khu đô thị An Khánh vẫn ngập sâu, người dân di chuyển vô cùng khó khăn.
Đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 khiến nhiều tuyến đường ở Đại lộ Thăng Long ngập sâu. Tới thời điểm hiện tại, dù mưa lớn đã ngớt dần, nhưng khu vực km số 8 (gần Thiên đường Bảo Sơn) tại đường gom Đại lộ Thăng Long vẫn ngập nặng.
Hàng dài xe xếp hàng, ngần ngại không dám đi qua khu vực ngập sâu.
Việc di chuyển diễn ra vô cùng khó khăn.
Ghi nhận tại khu vực đầu đường Hoàng Tùng thuộc cổng chào Thiên đường Bảo Sơn, mực nước ngập đến nửa thân ô tô.
Nước mênh mông tại các tuyến đường gần khu vực Thiên đường Bảo Sơn.
Theo anh Nguyễn Hải (An Khánh, Hoài Đức), rút kinh nghiệm những hôm mưa bão trước, anh đã đi làm từ 7 rưỡi sáng để tránh tắc và nếu ngập có thể di chuyển bằng đường khác để kịp đi làm. "Cẩn thận là thế nhưng tất cả các đường vào nội thành gồm ba tuyến nội khu, đường gom đại lộ và đường để sang Hà Đông đều đang ngập, cố đi rất dễ hỏng xe nên tôi đang loay hoay không biết đi đường nào!", anh Hải cho hay.
Hàng loạt phương tiện chết máy, khi mực nước ngập quá nửa bánh xe.
Nhiều ôtô, xe máy chết máy, không thể di chuyển giữa "biển nước" phải dùng dịch vụ xe kéo tại chỗ.
Các phương tiện tìm cách thoát thân bằng cách đi ngược chiều, trèo lên vỉa hè... để tránh chỗ ngập.
Các nhà dân thuộc khu đô thị đắp cát, kê bạt để nước không tràn vào hầm.
Để đi qua khu vực ngập, có người còn chọn trèo lên hàng rào.
Đường gom Đại lộ Thăng Long (gần khu vực Thiên đường Bảo Sơn) là điểm đen ngập lụt của Hà Nội từ nhiều năm nay. Cứ sau mỗi đợt mưa lớn, đoạn đường này lại trở thành nỗi kinh hoàng với người dân.
Đại lộ Thăng Long được xem là cung đường hiện đại nhất Việt Nam. Với vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối các tuyến đường, các tỉnh và khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, đại lộ Thăng Long đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đại lộ Thăng Long nằm trong dự án đường Láng-Hòa Lạc, có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng. Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại, có tổng chiều dài là 29,264km, bề rộng mặt cắt ngang tuyến đường 140m gồm: 2 dải đường cao tốc với 6 làn đường tách biệt: 2 đường gom, 2 đường cao tốc, 2 đường hầm, 12 cầu vượt ngang đường. Không gian hai bên đường là vùng đệm cây xanh với chiều rộng tối thiểu mỗi bên là 200m.
Đại lộ được khởi công xây dựng ngày 20/3/2005 và khánh thành ngày 3-10-2010, nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra còn có các hạng mục kỹ thuật đồng bộ theo đường, gồm tuyến đường sắt trên cao (theo quy hoạch, đặt tại dải lưu không giữa đường cao tốc và đường gom); tuyến truyền tải nước từ Nhà máy nước sạch Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội và hệ thống kỹ thuật phục vụ các khu đô thị mới được quy hoạch dọc 2 bên tuyến. Đây là đường cấp 1 đồng bằng, thiết kế cho xe chạy với vận tốc từ 70 km/h đến 120 km/h bảo đảm thông xe tốt 2 mùa.
Lưu lượng thông xe từ 1.500 đến 2.000 xe/ngày đêm với quy định về tải trọng H30 và XH80 ( tải trọng tối đa cho xe tải là 30 tấn, tải trọng tối đa cho xe bánh xích là 80 tấn).
Sau đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, Đại lộ Thăng Long sẽ là đường cao tốc đúng nghĩa khi có hàng rào ngăn cách phần đường riêng biệt cho các loại phương tiện. Cụ thể, người đi bộ, xe máy, xe thô sơ, mô tô, xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế dưới 70km/h… sẽ bị cấm đi vào đường cao tốc mà đi trên hệ thống đường gom. Khi đi vào đường cao tốc, lái xe phải bật tín hiệu xin vào và nhường đường cho các xe đang lưu thông để bảo đảm an toàn, nếu có làn đường tăng tốc phải cho xe chạy trên làn này trước khi nhập vào làn cao tốc.
Với những thông số kỹ thuật chuẩn của đường cao tốc, Đại lộ Thăng Long được xem là tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Đại lộ Thăng Long chạy cơ bản theo hướng Đông – Tây, dài 30 km, bắt đầu tại ngã tư giao cắt giữa đường này với đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Trần Duy Hưng nằm trong ranh giới giữa quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Tại km đầu tiên của đại lộ, bên phải là Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Trung tâm Hội nghị quốc gia hiện là một trong ba trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Đông Nam Á, là trung tâm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được xây dựng dựa trên công nghệ tiên tiến và hiện đại bậc nhất hiện nay. Tại đây đã diễn ra nhiều hội nghị cấp cao trong và ngoài nước như hội nghị APEC, các lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của đất nước. Đoạn đương tiếp theo của Đại lộ Thăng Long đi qua các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, kết thúc ở xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, tại ngã ba giao cắt với Km 31+064 – quốc lộ 21A cũ đi thị xã Sơn Tây, nay là đoạn đầu của đường Hồ Chí Minh.
Đại lộ Thăng Long trở thành tuyến đường xuyên tâm, kết nối trực tiếp với đô thị đại học và dịch vụ khu vực cửa ngõ phía Tây Nam là Xuân Mai; hỗ trợ phát triển khu đô thị Phú Xuyên – Phú Minh phía Nam thành phố, với các khu công nghiệp, dịch vụ trung chuyển và đầu mối phân phối tiếp nhận hàng hóa nông sản giữa các vùng, khu vực; là tuyến đường chiến lược kết nối với đường vành đai III để người dân có thể lưu thông thuận tiện tới các đô thị công nghiệp, dịch vụ Cảng hàng không Nội Bài gắn với việc bảo tồn, phát triển khu vực Sóc Sơn.
Đại lộ Thăng Long cũng là tiền đề cơ bản để phát triển Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc, một trong những dự án lớn, quan trọng của đất nước. Đại lộ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô về phía tây và tây nam. Với ngành Giao thông vận tải Việt Nam, Đại lộ Thăng Long còn là niềm tự hào lớn, bởi đây là tuyến cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng hoàn toàn do các kỹ sư, nhà thầu trong nước thiết kế, thi công và sử dụng nguồn vốn trong nước.
Hiện nay, ở hai bên đại lộ, nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang đang được xây dựng, dải phân cách được trồng hoa và cỏ xanh mát mắt, các cột đèn cao áp thủy ngân cũng được trồng dọc theo suốt chiều dài của Đại lộ. Trong tương lai, Đại lộ Thăng Long sẽ là con đường chiến lược, mang tầm nhìn thế kỷ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.